Tổng lãnh sự Việt Nam tại Battambang Trần Công Thịnh vừa báo tin với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị rằng ông Ung Uoen – tỉnh trưởng Battambang (Campuchia) đã quyết định dành 11 gian trong chợ mới trung tâm của tỉnh, rộng 1.500m2, cho các doanh nghiệp Việt Nam làm kho hàng và đảm bảo các thủ tục mang hàng từ Việt Nam sang thuận lợi.
Bên cạnh hỗ trợ của tỉnh trưởng Battambang, ông Phou Puy, chủ tịch liên đoàn Xay xát kinh doanh lúa gạo Campuchia kiêm chủ tịch phòng Thương mại Battambang cũng sẵn sàng làm tổng phân phối cho các mặt hàng tiêu dùng, nước giải khát, thực phẩm chế biến của Việt Nam.
Đổi Hàng: Tại Sao Không?
Tuy nhiên, lãnh đạo sáu tỉnh vùng Tây Bắc Campuchia và ông Phou Puy đều mong muốn doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến phương thức “hàng đổi hàng”, trong đó gạo là mặt hàng chính của Campuchia, kế đến là các loại cây công nghiệp như bắp đỏ, khoai mì, mè để đổi lấy hàng tiêu dùng Việt Nam.
Ngoài Siem Reap phát triển mạnh du lịch, Pailin nhờ vào khai thác khoáng sản và kinh tế biên giới, bốn tỉnh còn lại của vùng Tây Bắc Campuchia chủ yếu làm nông nghiệp. Canh tác ở đây hầu như dựa vào thiên nhiên, không có thuỷ lợi, ít dùng phân bón, thuốc trừ sâu nên sản phẩm sạch nhưng năng suất thấp. Ngay như Battambang và Banteay Meanchey được xem là vựa lúa, nhưng chỉ làm mỗi năm một vụ, thu hoạch được 2 – 3 tấn/ha. Lúa dài ngày được gạo ngon nhưng chỉ đủ dùng trong nước, muốn xuất khẩu cũng khó do cách thu hoạch, phơi lúa đến kỹ thuật xay xát không tốt.
Không riêng vùng tây bắc, lãnh đạo các tỉnh làm nông nghiệp ở Campuchia qua các lần tiếp xúc với phía Việt Nam đều mong muốn Việt Nam cung cấp dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và hỗ trợ tiêu thụ vì Việt Nam có thị trường xuất khẩu lớn. Họ muốn thay đổi giống mới ngắn ngày, năng suất cao, làm được nhiều vụ một năm, muốn Việt Nam đầu tư nhà máy xay xát đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Những Cân Nhắc
Các doanh nghiệp Việt Nam liên quan tham dự hội chợ Thương mại Việt Nam – Campuchia cho biết, họ chưa quan tâm việc đầu tư nhà máy xay xát tại Campuchia bởi không hiệu quả khi một năm chỉ hoạt động vài tháng. Phương án hiện nay đang được các thương lái áp dụng là mua lúa chín tại đồng, nông dân Campuchia gặt xong thì lúa được chở ngay về Việt Nam phơi sấy, xay xát. Về hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng tổ chức những mô hình trình diễn cho nông dân Campuchia. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho nông dân nước bạn thay đổi giống lúa cần có sự cân nhắc bởi trồng giống ngắn ngày, làm được nhiều vụ, năng suất cao nhưng không khỏi sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Điều này có khả năng sẽ làm ảnh hưởng đến Việt Nam vì phải gánh chịu thêm tác hại từ ô nhiễm nguồn nước sông Mekong. Trong khi gạo Campuchia mà Việt Nam đang chuộng hiện nay là sản phẩm sạch, ngon từ giống lúa địa phương.
Liệu gạo Campuchia có là nguồn bổ sung cho sản lượng gạo cần cho xuất khẩu của Việt Nam? Đây là vấn đề cần cân nhắc kỹ vì thực tế Việt Nam vẫn trong tình trạng lúc thiếu, lúc thừa do việc tổ chức thị trường, điều hành xuất khẩu gạo chưa hợp lý. Để làm được, phải khắc phục nhược điểm này. Ngoài ra, doanh nghiệp phải mở rộng tìm kiếm khách hàng nhập khẩu gạo chất lượng cao, có thể dùng gạo ngon Campuchia làm nguồn hàng, vì hiện nay, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp.
Đối với các loại nông sản khác như bắp đỏ, khoai mì, mè…, hiện nay hầu hết doanh nghiệp mua từ Campuchia theo hình thức lấy hàng trực tiếp của nông dân và trả tiền ngay.
Theo tổng lãnh sự Việt Nam Trần Công Thịnh tại Battambang đổi nông sản để xuất được hàng tiêu dùng sang Campuchia là phương thức tốt, nhưng phải nghiên cứu cặn kẽ và làm việc cụ thể với từng tỉnh, từng doanh nghiệp ở Campuchia. Các địa phương tây bắc sẵn sàng rồi, chỉ chờ phía Việt Nam.