Giá thóc gạo ở Campuchia giảm mạnh, đã có hiện tượng nông dân đổ thóc ra đường, “đòi” được giúp đỡ. Chính phủ nước này đã phải tiến hành các biện pháp “tình thế”, và đang trông chờ vào sự trợ giúp của Trung Quốc để triển khai những giải pháp căn cơ hơn.
Biện Pháp Trước Mắt
Cách đây hơn nửa tháng, hàng trăm nông dân ở tỉnh Battambang (địa phương được coi là vựa lúa của Campuchia) đã đổ khoảng 100 tấn thóc ra quốc lộ 5 chạy qua tỉnh, “mong” Chính phủ Campuchia quan tâm trước thực trạng giá thóc các nhà xay xát trả cho nông dân lao dốc xuống còn 193 USD/tấn từ mức khoảng 250 USD/tấn vào giữa tháng 8 vừa qua.
Với chỉ khoảng 10% diện tích trồng lúa mùa mưa được thu hoạch và các nhà máy xay xát đã “kêu” không còn tiền mua thóc lúa, ngành lúa gạo – một trong những ngành trụ cột của nền kinh tế “đất nước Chùa Tháp” – trở nên ảm đạm.
Nhằm hỗ trợ người nông dân, Thủ tướng Samdech Hun Sen đã chỉ đạo giải ngân ngay lập tức gói cho vay đặc biệt trị giá 27 triệu USD (gồm 20 triệu USD từ ngân sách quốc gia và phần còn lại từ Ngân hàng Phát triển Nông thôn) hỗ trợ các nhà xay xát mua thóc lúa của nông dân và “kéo” giá thóc lúa trong nước lên (khoản cho vay ưu đãi đi kèm với điều kiện là phải mua thóc của nông dân với giá tối thiểu là 210 USD/tấn); đồng thời kêu gọi các doanh nhân và những ai có khả năng về tài chính mua thóc gạo giúp nông dân.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Samdech Hun Sen, đến nay, đã có nhiều thành viên của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, trong đó không ít người bỏ tiền mua hơn chục tấn thóc gạo, hỗ trợ nông dân.
Thế Giới Dư Cung Gạo
Tháng 7 vừa qua, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) dự báo, tổng lượng gạo thương mại thế giới trong năm 2016 sẽ là 43,9 triệu tấn, giảm 1,5% so năm 2015, do thừa cung. “Phần lớn sự sụt giảm này là do những nước nhập khẩu gạo chủ chốt như Trung Quốc, Bangladesh, Philippines và Sri Lanka có thể giảm lượng mua trong bối cảnh lượng gạo dự trữ dồi dào”, FAO nhận định.
Cũng góp phần vào tình trạng dư cung gạo thế giới là những biện pháp nâng cao khả năng “tự bền vững” do Nigeria (từng là nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, với ba triệu tấn mỗi năm) đang tiến hành. Ngoài ra, Thái-lan nỗ lực “giải phóng” hàng triệu tấn gạo dự trữ đã được thu mua theo chương trình trợ giá lúa gạo dưới thời Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Campuchia không phải là quốc gia duy nhất chịu ảnh hưởng do tình trạng dư cung gạo trên toàn cầu. Trong khi lượng gạo xuất khẩu của Campuchia giảm 6% trong nửa đầu năm nay so cùng kỳ năm ngoái, thì lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm tới 11,5%. Nặng nề hơn là Myanmar với lượng xuất khẩu gạo giảm tới 63% trong vụ thu hoạch mùa khô vừa qua.
Những Thách Thức Chính
Tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF) Sok Puthyvuth đã nêu lên hai thách thức chính hiện nay của ngành lúa gạo nước này. Đó là sự cạnh tranh từ gạo nhập khẩu và khả năng tài chính của các cơ sở xay xát gạo.
Ngoài hai thách thức chính nói trên, ngành lúa gạo Campuchia đang phải đối mặt với những khó khăn khác như giá điện và chi phí sản xuất cao, hệ thống tưới tiêu, cơ sở hạ tầng vận tải và dịch vụ hậu cần còn yếu kém.
Ông Sok Puthyvuth cho biết, CRF đã đề nghị Chính phủ Campuchia thông qua Ngân hàng Phát triển Nông thôn lập quỹ khẩn cấp khoảng 20 – 30 triệu USD cho các cơ sở xay xát đang gặp khó khăn về tài chính vay không lãi suất, và yêu cầu các nhà nhập khẩu gạo phải có giấy phép. Theo ông Puthyvuth, đây là việc làm cần thiết để ngăn chặn sự sụp đổ của ngành lúa gạo nước này và không để lúa gạo bị “chảy” ra nước ngoài.
Sau cuộc họp kín giữa CRF với nhóm công tác của Chính phủ Campuchia do Phó Thủ tướng Kheat Chhon dẫn đầu cũng vào cuối tháng ba vừa qua, Chủ tịch Sok Puthyvuth thông báo, Chính phủ Campuchia đã quyết định tăng cường các điểm kiểm soát dọc biên giới Campuchia để ngăn chặn nhập khẩu gạo bất hợp pháp, đồng thời cam kết hủy bỏ bất cứ chứng chỉ xuất xứ của công ty nào mà bị phát hiện trộn gạo lậu để xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ Campuchia sẽ bãi bỏ thuế giá trị gia tăng đối với máy xay xát gạo nhập khẩu nhằm giảm chi phí cho các nhà xay xát.
Cuối tháng sáu vừa qua, Báo Bưu điện Phnom Penh dẫn thông báo của Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia cho biết, Chính phủ nước này sẽ hạn chế nhập khẩu gạo của Việt Nam bằng quy định mới, theo đó chỉ có gạo với chi phí sản xuất từ 300 USD – 600 USD/tấn mới được phép nhập khẩu vào Campuchia, nhằm ngăn gạo nhập khẩu giá rẻ từ Việt Nam vào nước này.
Tìm Biện Pháp Tăng Khả Năng Xuất Khẩu Gạo
Năm 2015, Campuchia đã xuất khẩu hơn 538 nghìn tấn gạo, tăng gần 40% so năm 2014, nhưng không hoàn thành mục tiêu xuất khẩu một triệu tấn gạo mà Chính phủ nước này đã đặt ra.
Theo số liệu của Ban Thư ký Dịch vụ xuất khẩu gạo một cửa Campuchia, trong tháng chín năm nay, lượng gạo xuất khẩu của nước này tăng 54% so cùng kỳ năm ngoái, nhưng do trước đó lượng mặt hàng xuất khẩu này giảm liên tiếp trong sáu tháng tính từ tháng ba vừa qua, nên tính chung chín tháng đầu năm nay, tổng lượng gạo xuất khẩu của Campuchia chỉ đạt khoảng 361.000 tấn, giảm 2% so cùng kỳ năm ngoái.
Gạo của Campuchia được xuất khẩu sang 62 quốc gia và khu vực trên thế giới, nhiều nhất là sang Trung Quốc, Pháp và Ba Lan.
Tại Diễn đàn lúa gạo Campuchia diễn ra ở Thủ đô Phnom Penh vào cuối tháng giêng năm nay, Thủ tướng Samdech Hun Sen kêu gọi tăng cường đầu tư xây thêm cơ sở dự trữ thóc gạo và mua máy sấy lúa để nâng cao năng lực xuất khẩu gạo của nước này.
Thủ tướng Hun Sen cho rằng, việc thiếu các cơ sở dự trữ lúa gạo và máy sấy lúa là thách thức chủ yếu đối với Campuchia trong việc mua lúa của nông dân với khối lượng lớn, do vậy cần tăng cường đầu tư để khắc phục hạn chế này.
Còn theo Phó Tổng cục trưởng Nông nghiệp Campuchia Hean Vanhan, lượng gạo xuất khẩu của Campuchia giảm một phần là do thiếu gạo vì các nhà xay xát và xuất khẩu gạo không có đủ vốn mua lúa gạo dự trữ trong mùa vụ trước để chế biến và xuất khẩu. Nguyên nhân nữa đó là gạo nhập khẩu từ Việt Nam, cùng với việc Thái-lan bán gạo ra thị trường với số lượng lớn ở mức giá thấp hơn, trong khi chi phí sản xuất gạo của Campuchia cao hơn.
Phó Chủ tịch CRF Hun Lak hy vọng, trong mùa thu hoạch vụ lúa mùa mưa này mà cao điểm vào tháng 11 năm nay, các nhà xay xát của Campuchia có thể mua được nhiều gạo hơn để dự trữ trong kho phục vụ chế biến nhằm tăng lượng gạo xuất khẩu. “Nhưng nếu giá gạo của các nước láng giềng tiếp tục giảm, các nhà xuất khẩu gạo Campuchia sẽ phải đối mặt với thách thức”, ông Hun Lak lo ngại.
Lúa chủ yếu được trồng vào mùa mưa ở Campuchia, nơi có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Diện tích trồng lúa mùa mưa chiếm hơn 80% tổng diện tích trồng lúa, do hệ thống thủy lợi kém phát triển. Những năm gần đây, tổng diện tích trồng lúa của nước này đạt khoảng ba triệu ha, chiếm gần 85% diện tích đất canh tác nông nghiệp. Khoảng 75% trong tổng số 15 triệu dân nước này là nông dân.
Ngay sau khi được bầu lại làm Chủ tịch CRF nhiệm kỳ thứ hai cách đây hơn ba tháng, ông Sok Puthyvuth (con rể của Thủ tướng Samdech Hun Sen) tuyên bố, ông sẽ nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu gạo của Campuchia thông qua các cuộc triển lãm, thương lượng tìm kiếm mở rộng thị trường và củng cố thương hiệu gạo của nước này. “Chúng tôi sẽ không cạnh tranh về giá, mà sẽ nỗ lực tăng chất lượng gạo để thị trường toàn cầu tin vào gạo của Campuchia”, ông Puthyvuth nhấn mạnh.
Dựa Vào Trung Quốc
Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã đồng ý, từ năm tới, tăng gấp đôi hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Campuchia lên 200.000 tấn, so với 100.000 tấn mỗi năm hiện nay. Trong chín tháng đầu năm nay, Campuchia đã xuất khẩu khoảng 64.000 tấn gạo sang Trung Quốc, giảm 2,1% so cùng kỳ năm ngoái.
Chính quyền Campuchia hy vọng trong chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến vào tuần tới, phía Trung Quốc sẽ chấp thuận đề nghị của Campuchia về khoản vay đặc biệt 300 triệu USD giúp Campuchia đối phó với những khó khăn hiện nay trong ngành lúa gạo và phát triển ngành này, trong đó có việc mua thêm các máy sấy lúa và xây thêm các kho dự trữ thóc gạo.